
Như chúng ta đã biết, giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật tương tự như bằng sáng chế. Ở một số quốc gia trên thế giới, giải pháp này được gọi là “mô hình hữu ích” hoặc “bằng sáng chế nhỏ”. Hiện nay, nhiều quốc gia cung cấp hệ thống bảo hộ mô hình hữu ích, trong khi cũng có nhiều quốc gia không cung cấp chế độ bảo hộ này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến mô hình hữu ích tại Việt Nam.
GIẢI PHÁP HỮU ÍCH LÀ GÌ?
Một sản phẩm hoặc phương pháp phát triển từ một giải pháp kỹ thuật có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Ở Việt Nam, nếu giải pháp đáp ứng các tiêu chí về tính mới trên toàn thế giới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp thì được cấp bằng sáng chế cho sáng chế. Tuy nhiên, nếu giải pháp chỉ đáp ứng các yêu cầu về tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp, và không được coi là kiến thức phổ biến thì được cấp giải pháp hữu ích. Nói cách khác, giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật có trình độ sáng tạo thấp hơn so với sáng chế.
ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ
Tương tự như sáng chế, đối tượng bảo hộ đối với giải pháp hữu ích bao gồm sản phẩm hoặc quy trình. Tuy nhiên, các đối tượng sau đây bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ:
- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
- Cách thức thể hiện thông tin;
- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
- Giống thực vật, giống động vật;
- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ
Bằng sáng chế sẽ được cấp cho một giải pháp kỹ thuật nếu nó đáp ứng các yêu cầu về tính mới trên toàn thế giới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Tuy nhiên, một giải pháp chỉ được cấp bằng giải pháp hữu ích nếu nó đáp ứng các yêu cầu về tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp, và không phải là hiểu biết thông thường.
THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN
Tương tự như sáng chế, người nộp đơn muốn xác lập quyền bảo hộ cho giải pháp hữu ích phải nộp đơn xin cấp bằng giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, đối với đơn xin cấp bằng sáng chế , người nộp đơn có thể chuyển đổi đơn xin cấp bằng sáng chế sang giải pháp hữu ích miễn là trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận hình thức, hoặc quyết định cấp bằng sáng chế, hoặc từ chối cấp bằng sáng chế cho đơn xin cấp bằng sáng chế đó. Đơn xin cấp bằng giải pháp hữu ích đã chuyển đổi sẽ nhận được số đơn mới và duy trì ngày nộp đơn của đơn gốc và ngày ưu tiên của đơn gốc (nếu có).
Để được thẩm định ở giai đoạn thẩm định nội dung, người nộp đơn phải nộp đơn yêu cầu thẩm định nội dung đối với đơn đăng ký giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, thời hạn nộp đơn yêu cầu thẩm định nội dung đối với giải pháp hữu ích là 36 tháng, trong khi đối với sáng chế là 42 tháng kể từ ngày nộp đơn sớm nhất. Tại Việt Nam, đơn đăng ký giải pháp hữu ích cũng phải trải qua quá trình thẩm định nội dung giống như đơn đăng ký sáng chế trong cùng một khung thời gian. Tuy nhiên, về thủ tục, việc thẩm định đơn đăng ký giải pháp hữu ích đơn giản hơn so với sáng chế vì đơn đăng ký giải pháp hữu ích chỉ được thẩm định về tính mới so với thế giới và khả năng áp dụng công nghiệp, trong khi đơn đăng ký sáng chế phải được thẩm định về trình độ sáng tạo. Do đó, việc thẩm định đơn đăng ký giải pháp hữu ích ít phức tạp hơn và do đó, thời gian thẩm định cũng ngắn hơn so với sáng chế.
THỜI HẠN BẢO HỌ
Sau khi được cấp bằng, giải pháp hữu ích cho phép chủ sở hữu ngăn cấm người khác khai thác và sử dụng giải pháp hữu ích cho mục đích thương mại mà không được phép. Cụ thể, bằng giải pháp hữu ích có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài trong 10 năm kể từ ngày nộp đơn, trong khi bằng sáng chế có hiệu lực trong 20 năm. Tương tự như bằng sáng chế, để duy trì hiệu lực của bằng giải pháp hữu ích, chủ sở hữu bằng giải pháp hữu ích phải trả phí duy trì hiệu lực sau khi bằng giải pháp hữu ích được cấp.
KẾT LUẬN
So với bằng sáng chế, tuy lệ phí nộp đơn không khác nhau nhưng quá trình theo đuổi đơn đối với giải pháp hữu ích đơn giản hơn và thời hạn bảo hộ ngắn hơn. Do đó, giải pháp hữu ích trở thành lựa chọn lý tưởng cho các sản phẩm có vòng đời công nghệ ngắn. Ngoài việc khuyến khích sự sáng tạo, giải pháp này còn ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực đổi mới của các nhà phát minh, giúp họ thu hồi được vốn đầu tư. Tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và phương thức khai thác sản phẩm, người nộp đơn nên cân nhắc kỹ lưỡng hình thức bảo hộ phù hợp nhất để tối ưu hóa hiệu quả kinh tế của sản phẩm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về các vấn đề liên quan, vui lòng gửi email đến info@vnna.com.vn
Dao Thu Trang
Phó Giám đốc