Hiện nay tên miền là công cụ trợ giúp kinh doanh đắc lực cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng tranh chấp tên miền càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các chủ thể đăng ký tên miền tương tự nhãn hiệu hay tên thương mại của doanh nghiệp khác khi doanh nghiệp này chưa đăng ký. Trong bài viết này, VNNA sẽ giới thiệu đến bạn đọc các thông tin về “Giải quyết tranh chấp tên miền”. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
Căn cứ pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009; 2019; 2022)
- Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- Thông tư 24/2015/TT-BTTTT
- Thông tư 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011
Nội dung tư vấn
Khái niệm về “Tên miền”
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 24/2015/TT-BTTTT Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet thì tên miền được định nghĩa như sau: “Tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.””
Xử lý tranh chấp tên miền .vn được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì sau đây là phương thức xử lý tranh chấp tên miền .vn:
Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:
- Thông qua thương lượng, hòa giải;
- Thông qua trọng tài;
- Khởi kiện tại Tòa án.
1. Thông qua hòa giải hoặc thương lượng
Theo phương án này, các bên tranh chấp sẽ tiến hành trao đổi và đàm phán cũng như trực tiếp thương lượng với nhau.
- Ưu điểm: Các bên tranh chấp có khả năng chủ động tiến hành và thỏa thuận với nhau nhanh chóng, nếu hai bên đạt được thỏa thuận, tên miền sẽ được chuyển nhượng hoặc đăng ký lại trong thời gian sớm nhất.
- Nhược điểm: Ở Việt Nam, đa phần các bên đăng ký tên miền sẽ thường yêu cầu giá chuyển nhượng rất cao và gây nhiều khó khăn khi không đạt được yêu cầu.
2. Thông qua Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
Các bên tranh chấp sẽ thống nhất đưa ra giải quyết tranh chấp tên miền thông qua Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đối với các vụ tranh chấp tên miền trong hoạt động thương mại theo các điều kiện quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010.
- Ưu điểm: Thường thì thời gian giải quyết khá nhanh chóng, phán quyết trọng tài có tính chất chung thẩm.
- Nhược điểm: Nếu một bên không đồng ý thông qua trung tâm trọng tài quốc tế thì không thể thực hiện phương án này.
3. Khởi kiện dân sự
Các bên tranh chấp đều có thể khởi kiện tại tòa án dân sự có thẩm quyền để yêu cầu xử lý việc tranh chấp tên miền. Và biện pháp này thường là cách cuối cùng khi không thể giải quyết được bằng các biện pháp khác.
- Ưu điểm: Giải quyết tranh chấp tên miền triệt để và các bên có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Nhược điểm: Tương tự như biện pháp trọng tài, việc khởi kiện tại tòa án dân sự phù hợp hơn với các tổ chức và cá nhân nước ngoài do chi phí khởi kiện và xét xử khá cao, tốn nhiều thời gian vì có thể trải qua nhiều cấp xét xử. Thực tế tại Việt Nam, rất ít có tiền lệ xét xử vụ việc theo biện pháp này.
4. Biện pháp hành chính
Trước khi có Thông tư 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011, các vụ tranh chấp tên miền không có hướng dẫn để xử lý bằng con đường hành chính. Khi Thông tư được ban hành, việc xử lý tranh chấp tên miền có thể được giải quyết bằng biện pháp hành chính thông qua việc đánh giá hành vi tranh chấp cạnh tranh không lành mạnh. Theo thông tư này, Thanh tra Bộ thông tin và truyền thông, Thanh tra Bộ KH&CN và Cục quản lý cạnh tranh sẽ có thẩm quyền xử lý hành vi tranh chấp cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.
- Ưu điểm: Thời gian thụ lý, xem xét và xử lý nhanh, giải quyết triệt để (có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền hoặc cưỡng chế thu hồi tên miền), tiết kiệm chi phí, cơ quan xử lý có chuyên môn cao.
- Hạn chế: Không được giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có); cơ quan giải quyết dành cho các bên tranh chấp thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra văn bản kết luận việc đăng ký sở hữu tên miền đó là hành vi vi phạm pháp luật để hai bên tự thương lượng với nhau; Trong trường hợp khi hết thời hạn 30 ngày mà hai bên không thể tự thương lượng được với nhau thì cơ quan giải quyết sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc thu hồi tên miền vi phạm” và dành cho bên vi phạm thời hạn 1 năm để tự nguyện thi hành; nếu sau thời hạn 1 năm mà bên vi phạm không tự nguyện thi hành thì cơ quan giải quyết mới ra văn bản yêu cầu Trung tâm Internet Việt Nam thực hiện việc thu hồi. Như vậy thì tổng thời gian để giải quyết cũng tương đối dài.
Thực trạng tranh chấp tên miền ở Việt Nam hiện nay
- Hiện nay không có cơ quan nào thống kê số lượng các vụ tranh chấp tên miền quốc gia .VN nhưng thông qua báo chí chúng ta có thể thấy rằng tranh chấp tên miền đang xuất hiện ngày càng nhiều. Đại đa số các tranh chấp tên miền là tranh chấp giữa một bên là chủ sở hữu nhãn hiệu với bên kia là chủ thể đã đăng ký tên miền, theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu thường khởi kiện vụ án hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bằng biện pháp hành chính chống lại chủ thể đã đăng ký tên miền đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Căn cứ pháp lý mà chủ nhãn hiệu hay viện dẫn là cáo buộc hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền bởi chủ thể đăng ký tên miền là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Ngoài việc có thể kèm yêu cầu bồi thường nếu khởi kiện tại tòa án, chủ sở hữu nhãn hiệu thường yêu cầu cơ quan chức năng buộc chủ thể đăng ký tên miền trả lại tên miền hoặc buộc thu hồi tên miền tranh chấp đó cho cơ quan đăng ký tên miền để sau đó chủ nhãn hiệu được cấp quyền ưu tiên đăng ký tên miền đó trong thời hạn nhất định.
Nguyên nhân là gì?
- Tình trạng lạm dụng lấy thương hiệu, nhãn hiệu của người khác để đăng ký bảo hộ tên miền có khuynh hướng gia tăng nhanh vì việc đăng ký tên miền về cơ bản không cần thẩm định mà chỉ cần theo quy tắc “duy nhất” và “ai đến trước cấp trước”;
- Chi phí đăng ký bảo hộ tên miền rất rẻ, không tốn thời gian,
- Pháp luật hiện hành cho phép chuyển nhượng tên miền trong khi khả năng bán lại tên miền với giá cao dễ khả thi.
Dịch vụ sở hữu trí tuệ của VNNA
CÔNG TY TNHH SỞ HỮU TRÍ TUỆ VNNA & ASSOCIATES với đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp, nhiệt tình, luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng các vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ như:
- Tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ: đăng ký bản quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu,…;
- Thực hiện tra cứu nhãn hiệu và đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ thành công cho nhãn hiệu;
- Tư vấn phương hướng sửa đổi lại dự định đăng ký để tăng khả năng đăng ký được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả hay sở hữu công nghiệp;
- Tư vấn hồ sơ, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ;
- Đại diện theo ủy quyền cho khách hàng tiến hành thủ tục khác.
Trên đây là bài của chúng tôi, hãy liên hệ với VNNA để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.
- Email: info@vnna.com.vn
- Hotline: 0862 618 669 hoặc 0865 069 288