Một điều mà chúng ta có thể thấy đó là nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận đều có rất nhiều người dùng. Điều này rất dễ gây nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu này cũng như là gây ra các hiểu nhầm khi mua hàng hóa hay sử dụng các dịch vụ mang 1 trong 2 nhãn hiệu trên. trong bài viết này; IP Ngọc Anh sẽ chỉ rõ thế nào là nhãn hiệu tập thể? thế nào là nhãn hiệu chứng nhận? điểm giống và khác nhau giữa hai nhãn hiệu này. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết: “So sánh nhãn hiệu tập thể với nhãn hiệu chứng nhận”.
Căn cứ pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022)
- Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nội dung tư vấn
Nhãn hiệu tập thể là gì?
Theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì: “Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”.
Có thể hiểu nhãn hiệu tập thể (NHTT) là nhãn hiệu thuộc sở hữu của một tập thể các nhà sản xuất (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân). Tập thể đó thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty,… Họ sẽ xây dựng quy chế chung về việc sử dụng (như các chỉ tiêu chung về chất lượng, nguồn gốc, phương pháp sản xuất,…) và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.
NHTT đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Bởi vì khi làm thủ tục đăng ký, chủ sở hữu phải nộp quy chế sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền. Bất kỳ sự sửa đổi nào đối với quy chế sử dụng cũng phải được thông báo cho cơ quan này.
Tại nhiều nước trên thế giới (ví dụ Đức, Phần Lan, Nauy, Thụy Điển và Thụy Sỹ), đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ bị huỷ bỏ nếu việc sử dụng trái với các quy định của quy chế sử dụng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Nhãn hiệu chứng nhận là gì?
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ: nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao;…
Dựa trên định nghĩa, chúng ta rút ra một số đặc điểm của NH chứng nhận như sau:
- NH chứng nhận là nhãn hiệu được một chủ thể đăng ký để chứng nhận cho hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác. Cho nên chủ thể xin đăng ký NH chứng nhận là người đại diện cho các sản phẩm có gắn NH chứng nhận và phải có khả năng đảm bảo các tiêu chuẩn chứng nhận. Đây là sự đảm bảo quan trọng cho người tiêu dùng, hạn chế được những hành vi kinh doanh không trung thực. Đó là lý do chủ thể của NH chứng nhận thường là các Tổ chức uy tín, hiệp hội doanh nghiệp hoặc Cơ quan nhà nước.
- NH chứng nhận có thể được sử dụng để chứng nhận nhiều tiêu chí khác nhau như: nguồn gốc xuất xứ, nguyên vật liệu sử dụng, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- NH chứng nhận không được sử dụng bởi chủ nhãn hiệu. Người được quyền gắn NH chứng nhận lên sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn của NH chứng nhận và được sự cho phép của chủ nhãn.
So sánh nhãn hiệu tập thể với nhãn hiệu chứng nhận
Điểm giống nhau
- Để được bảo hộ, cả nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận đều phải đăng ký theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật sở hữu trí tuệ quy định;
- Về thời hạn bảo hộ: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn là 10 năm.
Điểm khác nhau
Tiêu chí | Nhãn hiệu tập thể | Nhãn hiệu chứng nhận |
Chức năng | Phân biệt hàng hóa dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác không phải là thành viên | Chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu |
Chủ thể có quyền đăng ký | Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp
(khoản 3 Điều 87 Luật SHTT) |
Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa dịch vụ với điều kiện không tiến hành sản xuất; kinh doanh hàng hóa dịch vụ đó
(Khoản 4 Điều 87 Luật SHTT) |
Chủ thể có quyền sử dụng | Bản thân tổ chức và thành viên của tổ chức | Mọi chủ thể có hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn và được cấp phép thì đều có thể sử dụng |
Chủ sở hữu | Tổ chức được thành lập hợp pháp đăng ký nhãn hiệu tập thể | Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa dịch vụ với điều kiện không tiến hành sản xuất; kinh doanh hàng hóa dịch vụ đó |
Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu của IP Ngọc Anh
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ IP Ngọc Anh với đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp, nhiệt tình, luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng các vấn đề pháp lý liên quan đến nhãn hiệu như:
- Tư vấn pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng;
- Thực hiện tra cứu nhãn hiệu và đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ thành công cho nhãn hiệu;
- Tư vấn và đưa ra giải pháp sửa đổi lại nhãn hiệu dự định đăng ký để tăng khả năng đăng ký được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Tư vấn hồ sơ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu;
- Đại diện theo ủy quyền cho khách hàng tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ.
Trên đây là tư vấn của IP Ngọc Anh về “So sánh nhãn hiệu tập thể với nhãn hiệu chứng nhận”, nếu quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu hãy liên hệ với IP Ngọc Anh để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.
- Email: info@ipngocanh.com
- Hotline: 0862 618 669 hoặc 0865 069 288